➤ Cập nhật mới nhất ngày 15/7/2021: Neutrogena, Aveeno thu hồi hàng loạt kem chống nắng có benzen nguy cơ gây ung thư
➤ Cập nhật mới nhất ngày 18/7/2021: Johnson & Johnson bị kiện vì benzen trong kem chống nắng Neutrogena, Aveeno
Mới đây, Valisure LLC – một phòng thí nghiệm độc lập đang kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ra lệnh thu hồi hàng loạt lô kem chống nắng sau khi phát hiện benzen, một chất gây ung thư ở người trong 78 lô kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc sóc da sau khi ra nắng.
Trong một kiến nghị được đệ trình vào ngày 24/5, Valisure LLC cho biết họ đã phân tích 294 lô sản phẩm kem chống nắng và sau khi ra nắng từ 69 thương hiệu chăm sóc da.
Lưu ý: “Lô” sản xuất khác với “sản phẩm” nói chung – các mẫu có benzen được lấy từ các lọ kem chống nắng trong những lô sản xuất này không đại diện cho tất cả các sản phẩm cùng loại.
Trong số tất cả 294 lô có 78 lô (chiếm 27%) phát hiện ra benzen. Thậm chí có một số lô còn chứa gấp ba lần giới hạn benzen mà FDA cho phép là 2 phần triệu (ppm). Nghiên cứu sâu hơn, Valisure phát hiện ra 40 lô có nồng độ benzen cao đến mức “nên được thu hồi”.
Mức benzen cao nhất là 6,26 ppm, được phát hiện trong một lô Xịt chống nắng Neutrogena Ultra Sheer Weightless Sunscreen Spray SPF 100. Hai lô cùng loại kem chống nắng này nhưng có chỉ số SPF 70 chứa khoảng 5,96 và 5,76 ppm benzen. Tiếp theo là Sun Bum Cool Down Aloe Gel với mức benzen là 5,33 ppm.
![]() |
Xịt chống nắng Neutrogena Ultra Sheer Weightless Sunscreen Spray SPF 100 |
![]() |
Sun Cool Down Aloe Gel |
Toàn bộ đơn kiến nghị được đăng trên trang web của Valisure, liệt kê tất cả 294 lô sản phẩm được công ty kiểm tra – bao gồm tất cả 78 lô ở mức benzen có thể phát hiện được và các lô còn lại ở mức “không phát hiện được benzen”.
Những điều này nghe có vẻ đáng báo động, nhưng trước khi bạn tuyên bố không dùng kem chống nắng nữa (không phải ý hay đâu!) thì đây là những gì bạn cần biết về những chuyện đang xảy ra.
Benzen là gì và điều gì khiến nó trở thành chất gây ung thư ở người?
Theo Viện Ung thư Quốc gia của Hoa Kỳ, benzen là một hóa chất không màu hoặc màu vàng nhạt được sử dụng chủ yếu làm dung môi trong ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm . Nó cũng được biết đến là chất gây ung thư ở người.
Tiếp xúc với benzen làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu và các rối loạn máu khác. Mọi người chủ yếu tiếp xúc với hóa chất này qua khói thuốc lá hoặc làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng benzen.
Benzen được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là chất gây ung thư Nhóm 1, điều này cho thấy rằng có bằng chứng chắc chắn liên quan đến sự phá hủy DNA và những thay đổi khác gây ung thư ở người.
FDA phân loại nó là dung môi loại 1, có nghĩa là không được sử dụng để sản xuất thuốc hoặc các sản phẩm thuốc trừ khi không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên trên thế giới lại chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể về việc benzen trong kem chống nắng có khả năng gây ung thư. Đặc biệt là trước câu hỏi: Chỉ sử dụng với một lượng nhỏ có thể gây ra nguy cơ ung thư tương tự như việc tiếp xúc với benzen mức độ cao và lặp đi lặp lại hay không.
Mặc dù vậy, Valisure LLC khẳng định không có giới hạn tiếp xúc nào nên được quy định liên quan đến việc benzen trong kem chống nắng hoặc các sản phẩm sử dụng sau khi đi ra nắng. Hiện tại FDA đang tạm thời thiết lập giới hạn 2 ppm đối với benzen trong nước rửa tay chứa cồn trong đại dịch COVD-19, nhưng Valisure LLC nhận thấy thậm chí một số còn vượt quá giới hạn đó.
Trong đơn kiến nghị của mình, bên cạnh việc yêu cầu thu hồi các lô bị nhiễm benzen, Valisure LLC cũng yêu cầu FDA đưa ra “giới hạn nồng độ” đối với các sản phẩm thuốc, bao gồm kem chống nắng (được FDA quy định là thuốc) và “giới hạn tiếp xúc hàng ngày” với nó. Phòng thí nghiệm này tuyên bố luôn là giới hạn nồng độ nên bằng 0.
Tiến sĩ – bác sĩ Christopher Bunick, phó giáo sư da liễu tại Đại học Yale, cho biết trong một thông cáo báo chí do phòng thí nghiệm phát hành: “Không có mức benzen an toàn có thể tồn tại trong các sản phẩm kem chống nắng. Ngay cả mức benzen 0,1 ppm trong kem chống nắng cũng có thể khiến mọi người tiếp xúc với lượng benzen nanogram quá cao”.

Tại sao benzen lại bị phát hiện có trong kem chống nắng?
Về cách chất gây ung thư xâm nhập vào các lô sản phẩm kem chống nắng và sau khi ra nắng này, người ta tin rằng đó là do lỗi trong quy trình sản xuất chứ không phải nó là một thành phần có sẵn từ trước của sản phẩm.
David Light, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành của Valisure LLC tại New Haven, trả lời trên Health rằng: “Rất có thể đó là một chất ô nhiễm từ quá trình sản xuất. Bởi vì hơn 200 trong tổng số 294 lô sản phẩm kem chống nắng và sau khi ra nắng mà Valisure đã kiểm tra không có benzen, nên điều đó cho thấy rằng không cần thiết để sản xuất những sản phẩm có chất này.
Hơn nữa, nó không an toàn khi làm như vậy. Các hóa chất loại 1 không được chấp nhận để sử dụng trong sản xuất thuốc hoặc là một thành phần trong sản phẩm vì chúng độc hại không thể chấp nhận được”.
Các bên liên quan nói gì về benzen có trong kem chống nắng?
FDA hiện chưa đưa ra bình luận gì về kiến nghị của Valisure LLC với các lô kem chống nắng có chứa benzen.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2020 FDA đã từng ra quyết định thu hồi ngay lập tức với thuốc trị ợ nóng Zantac, sau khi Valisure LLC phát hiện có chất gây ung thư trong sản phẩm này năm 2019. Vậy nên với phát hiện mới của phòng nghiên cứu này, có thể lịch sử sẽ lặp lại.
Johnson & Johnson Consumer Health (nhà sản xuất của Neutrogena) cho biết công ty cam kết luôn sản xuất kem chống nắng chất lượng cao, an toàn và hiệu quả. “Benzen không phải là một thành phần trong bất kỳ sản phẩm nào của chúng tôi và chúng tôi hiện đang xem xét các phát hiện được nêu ra trong đơn kiến nghị này”.
Hai công ty khác là CVS Health và Sun Bum hiện chưa đưa ra câu trả lời về báo cáo của Valisure LLC.
Đọc thêm bài viết: Cách sử dụng kem chống nắng đúng và chuẩn nhất!
Có nên ngưng sử dụng kem chống nắng không?
Câu trả lời: Bạn không nên ngừng sử dụng kem chống nắng vì phát hiện này!
David Light – người sáng lập và Giám đốc điều hành của Valisure LLC, cho biết: “Có một số quy trình sản xuất cần phải được làm sạch, nhưng bản thân kem chống nắng vốn dĩ không gắn liền với benzen”.
Jennifer N. Choi, phó giáo sư da liễu và trưởng bộ phận của chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Robert H. Lurie của Đại học Northwestern ở Chicago, cho rằng benzen được tìm thấy như một chất làm ô nhiễm sản phẩm chứ không phải thành phần có trong kem chống nắng. “Người tiêu dùng không nên lo lắng rằng chất này thường được tìm thấy trong kem chống nắng”, cô cho biết.
Tiến sĩ Bunick khẳng định: “Kem chống nắng có hiệu quả cao khi được sử dụng đúng cách, ngăn ngừa tổn thương da do ánh nắng mặt trời và ung thư da. Người tiêu dùng chỉ cần đảm bảo chọn kem chống nắng hoặc các sản phẩm sau khi đi nắng không chứa benzen là được”.
➤ Cập nhật mới nhất ngày 15/7/2021: Neutrogena, Aveeno thu hồi hàng loạt kem chống nắng có benzen nguy cơ gây ung thư
➤ Cập nhật mới nhất ngày 18/7/2021: Johnson & Johnson bị kiện vì benzen trong kem chống nắng Neutrogena, Aveeno
Skincare Holic